Dù các bảng mạch màu xanh lá cây giúp việc kiểm tra bản mạch hiệu quả hơn, nhưng khi quá trình này được tự động hóa cao hơn, màu sắc của nó trở nên không còn quá quan trọng nữa.
Các sản phẩm của Apple không chỉ làm nên ấn tượng bởi ngoại hình bên ngoài mà còn cả bằng nội thất bên trong. Những kỹ sư lành nghề khi mổ xẻ nội thất bên trong mỗi chiếc MacBook của Apple đều ấn tượng với bảng mạch màu đen sạch sẽ với các linh kiện được sắp xếp một cách gọn gàng bên trong.
Khác với Apple, đại đa số các hãng điện tử khác lại thường chọn màu xanh lá cây cho bảng mạch của mình. Đối với nhiều người, màu xanh lá cây này trông thật nhàm chán nhưng tại sao đến giờ nó vẫn được sử dụng trong hầu hết thiết bị điện tử như vậy?
Trên thực tế, màu xanh lá cây đó không phải của bản thân bảng mạch, mà là của lớp chất dẻo phủ lên trên bảng mạch. Mục đích của lớp chất dẻo này là nhằm bảo vệ các đường dẫn điện bằng đồng trên bề mặt bảng mạch khỏi bị oxi hóa, cũng như ngăn không cho hình thành các cầu nối điện giữa mối hàn với những đường dẫn điện xung quanh. Và trong những ngày đầu của kỹ thuật hàn sóng (wave soldering), nó giúp ngăn chất hàn vô tình tràn vào bảng mạch trong quá trình hàn.
Điều này cho thấy vai trò của lớp chất dẻo phủ quanh bảng mạch không liên quan mấy đến màu sắc của nó, tại sao hầu hết các bảng mạch in lại có màu xanh?
Trên thực tế, màu sắc phủ lên các bảng mạch in này có nhiều màu khác nhau, ví dụ như xanh lá cây, đỏ, vàng, xanh dương và đen.
Nhưng nhiều năm trước đây, khi sản xuất nên các bảng mạch in, các công ty sử dụng loại nhựa epoxy sợi thủy tinh, có màu xanh lá cây tự nhiên. Vì vậy, các bảng mạch in ban đầu thường có màu xanh lá cây. Dần dần màu xanh này trở thành yếu tố mặc định cho các bảng mạch điện vì tác dụng của nó trong quá trình kiểm tra các mối hàn.
Màu xanh lá cây được chọn để phủ lên hầu hết bảng mạch in vì đó là màu sắc làm mắt ít phải điều tiết nhất khi nhìn vào. Khi việc kiểm tra các mối hàn vẫn được làm thủ công, điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc kiểm tra bảng mạch. Hiện nay, ngay cả khi việc kiểm tra đã được tự động hóa, vẫn cần có người kiểm tra nhiều lần trước khi hoàn thiện. Do vậy, màu xanh vẫn có tác dụng trong việc tăng hiệu suất trong quá trình sản xuất.
Khi màu xanh lá cây trở thành lựa chọn mặc định cho các nhà sản xuất bảng mạch in, loại màu này trở nên rất dễ kiếm và có giá thành rẻ hơn hầu hết các loại màu sắc khác. Điều này càng thúc đẩy các nhà sản xuất tiếp tục sản xuất trên các bảng mạch in có màu xanh lá cây, duy trì ngôi vị thống trị của nó trên các bảng mạch.
Tuy nhiên, cùng với việc tự động hóa trong quá trình kiểm tra bảng mạch ngày càng hoàn thiện hơn, việc sử dụng màu xanh lá cây trên các bảng mạch in dần trở nên không còn cần thiết nữa.
Cùng với đó, đến đầu những năm 2000, các nhà sản xuất bắt đầu chú ý hơn đến màu sắc của các bảng mạch in PCB, một phần vì nhu cầu muốn phân biệt phẩm cấp giữa các sản phẩm của mình. Do đó các nhà sản xuất thường sử dụng hai màu sắc khác nhau để phân biệt giữa dòng sản phẩm cao cấp và dòng sản phẩm cấp thấp hơn của mình.
Ví dụ Asus thường sử dụng màu vàng cho các bảng mạch chủ thông thường của mình và màu đen cho các bảng mạch chủ cao cấp hơn. Nhiều công ty sản xuất bảng mạch khác cũng chọn màu đen để đại diện cho dòng sản phẩm cao cấp hơn của mình.
Không chỉ vì màu sắc, một phần lý do của việc bảng mạch màu đen được xem như cao cấp hơn nằm ở việc đục lỗ trên các bảng mạch in thường khó hơn, vì vậy, chúng có năng suất thấp hơn, cũng như có giá thành cao hơn so với bảng mạch với các màu khác.
Tuy nhiên, việc bảng mạch đen bắt đầu trở thành biểu tượng cho các sản phẩm cao cấp từ khi chúng được Apple sử dụng trong các bảng mạch cho máy tính MacBook cũng như các thiết bị khác của mình. Dưới tác động của Apple, các bảng mạch màu đen cũng ngày càng được sử dụng phổ biến bởi các nhà sản xuất khác.